Mô tả 9M14 Malyutka

Tên lửa có thể được bắn từ một ống phóng vác vai (9P111), hoặc từ một xe có trang bị dàn phóng (BMP-1, BRDM-2) hay các máy bay trực thăng (Mi-2, Mi-8, Mi-24, Soko Gazelle). Khi tên lửa còn đặt trong ống bằng sợi 9P111, sẽ mất khoảng 5 phút để chuẩn bị cho việc phóng tên lửa.

Mỗi đại đội AT-3 đ­ược trang bị 9 bảng điều khiển, 36 bệ phóng và 36 tên lửa. Mỗi bệ phóng gắn 1 tên lửa, có ba lô nhựa cứng để bảo quản và mang vác.

Tên lửa được dẫn hướng đến mục tiêu bởi người điều khiển, người này sử dụng cần lái tay cầm nhỏ (9S415) để điều khiển, xạ thủ dùng mắt quan sát để điều khiển quả đạn lao vào mục tiêu (MCLOS). Tên lửa có 2 động cơ là động cơ phóng (mục đích đưa tên lửa rời khỏi bệ phóng với sơ tốc khoảng 100m/s) và động cơ bay. Do điều khiển bằng thủ công nên đòi hỏi người điều khiển phải có một số kỹ năng, kinh nghiệm nhất định mới sử dụng hiệu quả loại tên lửa này. Việc điều chỉnh hướng bay của xạ thủ được truyền đến tên lửa theo 3 sợi dây nhỏ nối ở phía đuôi của tên lửa. Tên lửa lao vào không trung ngay sau khi được phóng ra, điều này giúp tên lửa tránh đâm vào các chướng ngại vật hay mặt đất. Trong khi bay tên lửa xoay 8,5 vòng/giây - ban đầu quá trình quay được tạo ra bởi động cơ của tên lửa, và được duy trì bằng một góc nhỏ của các cánh. Tên lửa sử dụng một con quay hồi chuyển nhỏ để định hướng cho chính nó tương đối với mặt đất; và do đó tên lửa mất một khoảng thời gian để đạt được hướng bay đến mục tiêu ổn định, lúc này tầm bay tối thiểu khoảng 500–800 m. Đối với các mục tiêu có cự ly dưới 1000 m, người bắn có thể dẫn hướng cho tên lửa bằng mắt thường; với mục tiêu trên 1000 m người bắn phải sử dụng kính ngắm 9Sh16, có độ phóng đại 8 lần, và tầm nhìn là 22.5 độ.

Một ụ pháo của BMP-1 có trang bị tên lửa SaggerMột máy bay trực thăng chiến đấu có trang bị tên lửa Malyutka.

Khả năng tên lửa trúng mục tiêu với những ước tính ban đầu dao động trong khoảng 90% đến 60%, kinh nghiệm cho thấy khả năng này vào khoảng 25% và 20% tùy thuộc tình hình và kỹ năng của người thao tác. Cách điều khiển theo kiểu MCLOS đòi hỏi kỹ năng của người thao tác: một báo cáo cho biết phải bắn mô phỏng khoảng 2.300 lần thì mới có thể thao tác thành thạo tên lửa cũng như bắn mô phỏng 50 đến 60 lần một tuần để duy trì mức độ kỹ năng. Tuy nhiên, cách điều khiển bằng tay có ưu điểm là không bị ảnh hưởng bởi tất cả các hệ thống gây nhiễu điện tử của đối phương.

Sự ra đời của AT-3 cho phép bộ binh có thể tiêu diệt xe tăng đối phương ở cự ly 3 km, xa hơn rất nhiều so với các vũ khí chống tăng thông thường như bazooka, RPG-7... Một đơn vị bộ binh chống tăng trang bị AT-3 có thể bao quát một không gian chiến trường khá rộng, sử dụng các chiến thuật cơ động ngụy trang thì có thể tiêu diệt lượng lớn thiết giáp địch từ cự ly xa. Nếu AT-3 được gắn trên các xe thiết giáp như BMP-1, BTR-60... thì hỏa lực của xe sẽ tăng đáng kể, cho phép xe thiết giáp hạng nhẹ cũng có thể đối chọi với xe tăng chủ lực. Sức công phá của đầu đạn có thể xuyên thủng 400mm giáp thép tiêu chuẩn, đủ sức phá hủy mọi loại xe tăng chủ lực ở đầu thập niên 1970.

Bên cạnh các ưu điểm, 2 nhược điểm lớn nhất của hệ thống vũ khí này là tầm bắn cực tiểu khoảng 500 m (mục tiêu ở gần hơn thì tên lửa không thể tấn công hiệu quả và xạ thủ phải tìm cách lùi ra xa hơn) và thời gian cần để tên lửa đạt tầm bắn tối đa là khá lớn (khoảng 30 giây), khoảng thời gian này đủ cho mục tiêu có thể cơ động thoát được, hay có thể trốn sau những chướng ngại vật, bắn lựu đạn tạo màn khói hay bắn phản lại phía tên lửa.

Phiên bản mới của tên lửa này đã khắc phục được những nhược điểm trên bằng cách sử dụng hệ dẫn hướng SACLOS cũng như nâng cấp hệ thống động cơ nhằm tăng tốc độ bay trung bình.

Tuy đã ra đời từ những năm 1960 và có phần lạc hậu so với các loại tên lửa chống tăng đời mới, nhưng hiện nay AT-3 vẫn được duy trì trong biên chế của quân đội nhiều nước bởi các phiên bản nâng cấp của nó vẫn đủ khả năng tiêu diệt xe tăng hiện đại, trong khi giá thành lại rất rẻ so với tên lửa chống tăng đời mới.

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: 9M14 Malyutka http://www.armyrecognition.com/forum/viewtopic.php... http://www.history.army.mil/books/Vietnam/mounted/... http://www.fas.org/man/dod-101/sys/land/row/at3sag... http://waronline.org/IDF/Articles/firstATGM.htm http://btvt.narod.ru/4/sagger.htm http://rbase.new-factoria.ru/search/outinfo.php?ma... http://warfare.ru/?catid=261&linkid=2202 http://sknc.qdnd.vn/ky-niem-sau-sac/ky-tich-cua-tr... http://trianlietsi.vn/new-vn/goc-luu-niem/862/nguo... https://commons.wikimedia.org/wiki/Category:9K11_M...